Vi xơ hoá tĩnh mạch mạng nhện

BS LÊ THANH PHONG

Vi xơ hoá tĩnh mạch là gì?


Tĩnh mạch mạng nhện ở chân ở một nữ có triệu chứng mỏi và đau nhức chân nhiều năm.

Vi xơ hoá tĩnh mạch là kỹ thuật được sử dụng để điều trị giãn các tĩnh mạch nhỏ ở chân, được thực hiện bằng cách tiêm và trong lòng tĩnh mạch một chất lỏng, gây xơ hoá và làm các tĩnh mạch này biến mất.

Kỹ thuật này phù hợp cho các tĩnh mạch mạng nhện (những gân đỏ có đường kính nhỏ hơn 1mm) ở chân hoặc những phần cơ thể khác dưới tim. Tĩnh mạch mạng nhện vùng mặt tốt hơn nên chữa bằng phương pháp khác như Laser.

Nhận diện nguồn gốc giãn tĩnh mạch mạng nhện

Trước khi tiến hành thủ thuật, cần phải làm siêu âm Duplex tĩnh mạch để xác định xem liệu có tĩnh mạch giãn nào ẩn giấu bên dưới, là cội nguồn của các tĩnh mạch mạng nhện này. Điều này rất quan trọng, bởi vì giãn tĩnh mạch mạng nhện sẽ tái phát nếu như chúng ta bỏ sót các tĩnh mạch cội nguồn ẩn giấu đó.

Vi xơ hoá thực hiện như thế nào?

Các tĩnh mạch mạng nhện rất mảnh nên một kim có kích thước thật nhỏ được sử dụng để tiêm vào trong lòng mạch một lượng nhỏ chất thuốc gây xơ hoá, đủ để làm tắc mạch. Theo thời gian, các tĩnh mạch nhỏ này bị tổ chức hoá và biến mất. Kính phóng đại có thể được sử dụng để làm tăng thêm tính chính xác của thủ thuật.

Ngay khi thuốc được tiêm vào lòng mạch, vùng tĩnh mạch giãn đó cần được băng ép với gạc, và mang vớ tĩnh mạch.

Điều trị bổ trợ sau thủ thuật

Để đạt được kết quả tốt nhất, khách hàng cần mang vớ tĩnh mạch trong suốt 02 tuần ngay sau khi vi xơ hoá. Cụ thể là liên tục trong 24 giờ đầu và sau đó 8 giờ/ ngày trong 2 tuần liên tục. Nếu không mang vớ, máu sẽ chen vào tĩnh mạch và hình thành huyết khối làm da bị xạm màu. Vết xạm da này, đa phần sẽ nhạt dần sau vài tháng, tuy nhiên có một số trường hợp không khỏi.

Cần đi bộ ngay sau khi xơ hoá tĩnh mạch, với thời gian tối thiểu 30 phút, để tránh nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch.

Kết quả vi xơ hoá tĩnh mạch mạng nhện

Thông thường, cảm giác đau nhức và khó chịu sẽ cải thiện đáng kể ngay lần chích xơ đầu tiên, tuy nhiên phải cần vài đợt vi xơ hoá và phải sau vài tháng thì mới đạt được kết quả lý tưởng. 

Nguy cơ nào có thể xảy ra?

Cũng như những thủ thuật y khoa khác, vi xơ hoá tĩnh mạch có thể có một vài tác dụng không mong đợi hoặc đôi khi kết quả điều trị không như ý muốn.

Một số trường hợp có thể xuất hiện vết xạm da, điều này thường xảy ra ở những khách hàng bỏ vớ tĩnh mạch sớm hơn 2 tuần hoặc mang vớ không đúng cách. Nguyên nhân là do máu chen vào tĩnh mạch và đông lại ở đó. Ở phòng khám BÁC SĨ TĨNH MẠCH, chúng tôi hẹn khách hàng tái khám sớm sau thủ thuật 7-10 ngày, nếu phát hiện tình trạng này, chúng tôi sẽ có phương án bổ sung thích hợp để không bị xạm da về sau.

Đôi khi loét da có thể xuất hiện, nguyên do là do thuốc tiêm ra khỏi mạch hay tiêm nhầm vào nhánh tiểu động mạch. Điều may mắn là, nguy cơ này hiếm khi xảy ra.

Những gân đỏ li ti xuất hiện sau khi vi xơ hoá được gọi là hiện tượng "matting". Nguyên nhân thường do không phát hiện nhánh tĩnh mạch ẩn giấu, hoặc do tiêm một lượng thuốc lớn, nồng độ cao một cách không phù hợp.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng 9/10 bệnh nhân được chích xơ tĩnh mạch mạng nhện ở chân, có thể đã được điều trị sai nếu như không được làm siêu âm Duplex trước đó. Nghiên cứu ở Úc năm 2011 cho thấy, khi siêu âm Duplex được chỉ định cho bệnh nhân đã nghĩ rằng họ chỉ có giãn tĩnh mạch mạng nhện ở chân, kết quả phát hiện gần 90% có giãn tĩnh mạch cội nguồn ẩn giấu bên dưới mà mắt thường không thể nhìn thấy được. 

Phòng khám BÁC SĨ TĨNH MẠCH xây dựng một qui trình chuẩn mực Chiva protocol@ đảm bảo một chẩn đoán chính xác tĩnh mạch cội nguồn gây bệnh và điều trị hiệu quả các tĩnh mạch mạng nhện. Với kinh nghiệm hằng trăm ca vi xơ hoá tĩnh mạch mỗi năm trong nhiều năm qua, chúng tôi đạt đến sự chính xác của từng mũi tiêm vi xơ hoá, cũng như sự hài lòng từ khách hàng về kết quả điều trị sau đó.

Hiển thị tất cả kết quả cho ""