KHPTO – Phương pháp can thiệp nội mạch trong điều trị suy tĩnh mạch do tắc nghẽn được BV đại học y dược TPHCM (BV ĐHYD) áp dụng và đã điều trị thàng công 20 ca.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân L.T.H., sinh năm 1956, nhà ở Sóc Trăng, nhập viện vào tháng 7/2015 trong tình trạng đau và loét chân không lành. Bà kể, từ 8 năm trước, bà thường xuyên bị phù chân trái khi đứng lâu hay đi lại. Khoảng 2 năm nay, bà bị phù kèm theo nổi các tĩnh mạch ngoài da, và đau chân khi đứng lâu hay đi lại. 02 tháng trước nhập viện, một vết loét ở mắt cá trong chân trái xuất hiện, gây chảy dịch và đau đớn.
Các bác sĩ khoa lồng ngực mạch máu BV ĐHYD chẩn đoán bà bị suy tĩnh mạch giai đoạn cuối do hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và điều trị sau đó bằng nong bóng và đặt stent tái thông tĩnh mạch chậu thành công. Sau mổ, tình trạng phù chân của bà giảm rõ rệt.Khoảng 10 ngày sau vết loét lành hoàn toàn và hết đau. Các triệu chứng suy tĩnh mạch chân khác cũng được cải thiện dần sau đó. Theo dõi đến nay đã hơn 02 năm, tình trạng suy tĩnh mạch không tái phát và các kết quả kiểm tra cho thấy tĩnh mạch chậu được tái thông vẫn hoạt động tốt, không tái hẹp.
Một trường hợp khác, người bệnh B.T.G. sinh năm 1955, nhà ở quận 2, TP HCM, vào viện vì sốc nhiễm trùng với chân trái sưng to, căng bóng, đỏ da và rất đau. Trong tiền sử, người bệnh đã phù chân nhiều năm nay và thường xuyên vào viện vì nhiễm trùng máu có nguồn gốc từ nhiễm trùng chân trái.
Các bác sĩ khoa Lồng ngực mạch máu BV ĐHYD chẩn đoán bệnh có nguồn gốc từ hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và tắc mạch huyết chân, cần phải điều trị tái thông mạch máu.
Bà G. sau đó đã được nong bóng và đặt stent vào tĩnh mạch chậu, tái thông dòng máu về tim. Ngày hôm sau, chân bà đã giảm phù gần 30%, tình trạng viêm mô tế bào cũng được cải thiện rõ và sau 02 tuần điều trị chân bà đã giảm phù được gần 50% so với trước khi can thiệp.
Một ca bệnh khác, là bệnh nhân N.T.M.T., sinh năm 1975, nhà ở quận 1, TP HCM được chuyển đến BV ĐHYD trong tình trạng chân trái phù to và đau. Chị kể, mấy ngày trước chị cảm thấy đau hông lưng trái, sau đó khi phát hiện chân sưng to chị liền đến bệnh viện quận khám và làm siêu âm. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân trái và chuyển BV chuyên khoa điều trị.
Tại BV ĐHYD, các chẩn đoán sâu hơn cho thấy chị M.T. bị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính chân trái do tắc tĩnh mạch chậu. Người bệnh sau đó đã được phẫu thuật để lấy hết huyết khối trong lòng mạch, đồng thời nong bóng và đặt stent tái thông dòng chảy của tĩnh mạch, kết hợp với thuốc kháng đông máu. Ngày thứ 6 sau phẫu thuật, tình trạng sưng phù và đau chân của chị M.T. đã hết, chị có thể đi lại và xuất viện.
ThS BS. Lê Thanh Phong – khoa lồng ngực mạch máu, BV ĐHYD, cho biết trước đây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật lớn, phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn. Bệnh nhân phải nằm viện dài ngày. “Ngày nay, với sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim vào tĩnh mạch đùi, phần tĩnh mạch bị chèn ép sẽ được nong ra và sau đó được đặt stent vào lòng mạch. Khi dòng máu về tim không còn bị cản trở, các hậu quả do sự chèn ép gây ra sẽ không xuất hiện hoặc cải thiện đáng kể. Sau mổ vài giờ người bệnh có thể đi lại và có thể xuất viện cùng ngày”, BS. Phong nhận định.
Được biết, giữa năm 2015, BV ĐHYD đã đăng ký với Bộ Y tế thực hiện kỹ thuật điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu qua can thiệp nội mạch và cũng là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp này. Đến nay có khoảng 20 người bệnh đã được điều trị theo phương pháp này, kết quả theo dõi đến nay cho thấy hiệu quả điều trị rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người bệnh cải thiện đáng kể và ổn định.
Việc áp dụng thành công phương pháp nong và đặt stent điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu, mở ra một hướng mới cho việc điều trị các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch khác như hội chứng hậu huyết khối, hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên, hội chứng phù áo khoác,…BS. Phong cho biết thêm.