Bệnh giãn tĩnh mạch bàn tay là căn bệnh ít gặp. Khi mắc, tuy không gây nguy hiểm nhưng làm mất thẩm mỹ cho người mắc phải. Vậy giãn tĩnh mạch bàn tay là gì? có phương pháp nào để điều trị căn bệnh này. Mời bạn đọc bài viết sau.
Giãn tĩnh mạch bàn tay là gì?
Ở một số phụ nữ, mu bàn tay có thể nổi rất to nhất là khi bàn tay được buông thấp, gây quan ngại về mặt thẩm mỹ và có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Do đó, nhiều người trong số này, muốn làm mất các tĩnh mạch ở mu bàn tay. Có một số cách để làm mất các tĩnh mạch này, trong đó xơ hoá các tĩnh mạch mu bàn tay là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện nhất.
Tuy nhiên, một điều nên hiểu rõ là các tĩnh mạch nổi to ở bàn tay hiếm khi là biểu hiện của bệnh, đó chỉ là do da vùng mu bàn tay mỏng, ít lớp mỡ dưới da nên các tĩnh mạch ở vị trí này rất dễ nhìn thấy. Hơn nữa, ở tư thế bàn tay buông thõng, áp lực thuỷ tĩnh trong tĩnh mạch tay tăng, máu dồn về phần thấp nhất là bàn tay nhiều nhất làm cho các tĩnh mạch căng to. Đó là một hiện tượng sinh lý bình thường.
Điều trị giãn tĩnh mạch bàn tay bằng phương pháp chích xơ tĩnh mạch
Chích xơ tĩnh mạch là một phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, ít tốn kém nếu áp dụng cho những đối tượng bệnh nhân phù hợp, ví dụ như giãn tĩnh mạch nhỏ dưới da có kích thước từ dưới 1mm đến 3 mm, trong bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới có triệu chứng đau nhức. Tuy nhiên, liệu pháp gây xơ hoá có thể áp dụng cho các tĩnh mạch ở vị trí khác nhau cũng như ở bàn tay.
Mặt khác, các tĩnh mạch ở bàn tay là một trong vài vị trí ưa thích để tiêm thuốc và truyền dịch bởi vì chúng nằm nông ở da nên rất dễ tiêm. Các tĩnh mạch nông ở cao hơn, thường nằm sâu hơn nên khó tiêm hơn.
Khi cần tiêm thuốc mà không có tĩnh mạch bàn tay, thì phải tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay, ở chân, tĩnh mạch ở cổ, hay tĩnh mạch dưới đòn nằm sâu trong ngực. Việc này thường khó khăn và gây đau nhiều hơn.
Hơn nữa, về mặt kỹ thuật, một sợi dây nhựa sẽ được cột ở cổ tay để cho thuốc chỉ tác dụng tại chỗ, không lan rộng theo dòng máu gây tắc tĩnh mạch nơi khác. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp thuốc lan xa hơn vị trí mong muốn, gây xơ hoá cả những đoạn tĩnh mạch ở phần trên.
Chính vì thế, trừ khi tĩnh mạch bàn tay nổi to trong một số hội chứng chèn ép tĩnh mạch cần phải chữa trị nguyên nhân gây bệnh, xơ hoá các tĩnh mạch bàn tay vì lý do thẩm mỹ cần được tư vấn một cách kỹ càng từ bác sĩ điều trị và cân nhắc một cách cẩn thận giữa thẫm mỹ và những điểm tiêu cực có thể đến từ việc loại bỏ những tĩnh mạch bàn tay không mắc bệnh.
Bảo tồn tĩnh mạch, đặc biệt là các tĩnh mạch không mắc bệnh luôn là kim chỉ nam của phòng khám Bác sĩ Tĩnh mạch.