Hội chứng hậu huyết khối là gì?
Hội chứng hậu huyết khối (post-thrombotic syndrome) xảy ra ở những người có tiền căn bị huyết khối cấp tĩnh mạch sâu trước đó nhưng không được chữa trị hay chữa trị không đúng cách.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu chỉ điều trị bằng kháng đông, 5 năm sau có đến 90% bị hội chứng hậu huyết khối, 40% xuất hiện cơn đau cách hồi tĩnh mạch và 15% sẽ chuyển thành lở loét ở chân.
Cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch gây nên bệnh huyết khối tĩnh mạch cấp. Sau đó, sẽ chuyển qua giai đoạn mạn tính: máu đông sẽ co nhỏ lại rồi dần dần trở thành mô xơ, dính vào thành tĩnh mạch. Hiện tượng này, một mặt làm cho thành tĩnh mạch dày lên, mất tính mềm mại co giãn trước đó, gây hẹp lòng tĩnh mạch ở các mức độ khác nhau, thậm chí tắc hoàn toàn; mặt khác làm tổn thương các van tĩnh mạch vốn có chức năng ngăn cản dòng máu chảy ngược.
Biểu hiện của hội chứng hậu huyết khối thế nào?
Hậu quả về huyết động học là dòng máu hồi lưu về tim của tĩnh mạch ở chân bị cản trở, gây ứ đọng, dẫn đến tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch và hiện tượng viêm, kéo theo hàng loạt triệu chứng của hội chứng hậu huyết khối.
Hội chứng hậu huyết khối biểu hiện giống như suy tĩnh mạch sâu chi dưới mạn tính với tình trạng đau và khó chịu chân đi kèm sưng phù liên quan đến tư thế đứng. Nhiều trường hợp bị đau chân cách hồi, nghĩa là đi được một đoạn thi đau chân nên phải đứng lại. Nặng hơn là tình trạng thay đổi da vùng thấp của cẳng bàn chân và có thể dẫn đến lở loét không lành.
Điều trị hội chứng hậu huyết khối ra sao?
Sự biến đổi của cục máu đông mạn tính sẽ làm tắc hẹp hoặc phá huỷ các van của tĩnh mạch dẫn đến biểu hiện của tình trạng suy tĩnh mạch sâu từ cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, tuỳ theo đặc điểm cụ thể của từng bệnh nhân, việc điều trị có thể bao gồm các cách sau đây:
#1. Thay đổi lối sống: tham khảo bài cách phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch ở mục suy giãn tĩnh mạch.
#2. Mang vớ tĩnh mạch phù hợp với kích cỡ chân và giai đoạn bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
#3. Sử dụng các thuốc trợ tĩnh mạch có nguồn gốc rõ ràng.
#4. Điều trị can thiệp tĩnh mạch ở giai đoạn nặng:
Đặt stent tĩnh mạch tái thông tĩnh mạch bị hẹp nặng hay bị tắc: chủ yếu đối với tĩnh mạch lớn trong vùng bụng chậu như tĩnh mạch chủ chậu. Tham khảo thêm Đặt stent tĩnh mạch chậu trong mục Điều trị.
Bóc nội mạch tĩnh mạch (endophlebectomy): Kỹ thuật này áp dụng cho những trường hợp tĩnh mạch đùi bị tắc hoặc hẹp nặng, vị trí này không phù hợp để đặt stent tĩnh mạch vì khớp háng di động. Cách thực hiện là xẻ lòng tĩnh mạch và lấy đi mô xơ gây tắc hẹp bên trong, đồng thời kết hợp với đặt stent tĩnh mạch chậu ở trên dòng.
Sữa van tĩnh mạch cho trường hợp tổn thương van gây dòng chảy ngược ở tĩnh mạch đùi chung.
- Chuyển vị tĩnh mạch: là phẫu thuật chuyển một đoạn tĩnh mạch bị suy sang một tĩnh mạch khác có van tĩnh mạch còn nguyên vẹn. Van tĩnh mạch này sẽ ngăn không cho dòng máu chảy ngược về dưới nữa và do đó cải thiện các biểu hiện của hội chứng hậu huyết khối.Hình minh hoạ: A: ghép tĩnh mạch, B: chuyển vị tĩnh mạch (Nguồn: Valvuloplasty in primary venous insufficiency, Robert L. Kistner, The vein book, 2nd edition).
- Ghép tĩnh mạch: sử dụng một đoạn tĩnh mạch nách có van để ghép vào đoạn tĩnh mạch bị suy, van của tĩnh mạch nách còn nguyên vẹn sẽ cản dòng máu chảy ngược trong tĩnh mạch bị suy.
- Chiva tĩnh mạch sâu: đây là một kỹ thuật điều trị độc đáo cho hội chứng hậu huyết khối, nhưng chỉ áp dụng cho những trường hợp dòng chảy ngược do tổn thương van. Phương pháp này dựa vào khảo sát huyết động học kỹ lưỡng và chi tiết của hệ tĩnh mạch ở chân bị tắc với siêu âm Duplex tĩnh mạch. Mục tiêu cũng giống như những phương pháp điều trị khác, là triệt tiêu dòng chảy ngược, một trong 2 thủ phạm chính của hội chứng hậu huyết khối.
Hội chứng hậu huyết khối là một hậu quả nặng nề của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Ảnh hưởng đáng kể đến đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả lao động của người bệnh. Để tránh tình trạng này, điều quan trọng nhất vẫn là phòng tránh huyết khối tĩnh mạch sâu. Khi chẳng may bị chứng huyết khối tĩnh mạch sâu thì nên điều trị sớm và đúng cách. Còn khi đã mắc bệnh hội chứng hậu huyết khối thì cần được khám, tư vấn và chữa trị ở các trung tâm y tế có chuyên khoa sâu về bệnh này, bởi lẽ đây là một hội chứng thực sự khó điều trị ngay cả với bác sĩ chuyên khoa.