Trong y học, thuật ngữ “triệu chứng cơ năng” được dùng để nói đến những than phiền, những cảm giác khó chịu của bệnh nhân do một căn bệnh nào đó gây nên.
Những triệu chứng cơ năng của bệnh giãn tĩnh mạch thường là cảm giác đau nhức chân và khó chịu khác như nặng chân, mỏi chân, cảm giác nóng, ngứa, và co cứng hay chuột rút về đêm. Có những bệnh nhân mô tả khi đứng sẽ có cảm giác tê như máu chảy dồn xuống chân và có cảm giác châm chích rất khó chịu. Những triệu chứng này thường sẽ nặng hơn khi người bệnh đứng lâu hay ngồi lâu, khi hành kinh, khi mang vác nặng, gặp thời tiết nóng bức và cải thiện khi bệnh nhân gác chân lên cao, mang vớ tĩnh mạch, quấn băng thun hay đi bộ. Khi bệnh nhân giảm cân hay tuân thủ một chế độ tập luyện thể dục thường xuyên cho hai chân thì các triệu chứng có thể giảm xuống.
Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn là bệnh của xương khớp hay của thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng để phân biệt là của cảm giác đau và khó chịu do suy tĩnh mạch có liên quan đến tư thế hay băng ép.
Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, đối với bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, triệu chứng cơ năng ở chân có thể không tương quan với dấu hiệu lâm sàng. Điều này có nghĩa là nhiều khi bệnh nhân đau ở chân rất nhiều nhưng khám thì không phát hiện gì hay ngược lại, đôi khi bệnh nhân có giãn tĩnh mạch ngoằn ngoèo dưới da nhưng không hề có đau nhức hay bất kỳ một triệu chứng cơ năng nào khác.
Nghiên cứu về tĩnh mạch Ediburgh ở Anh, tiến hành trên 1500 bệnh nhân có độ tuổi từ 18 đến 64, cho thấy có khoảng 40% bệnh nhân có tĩnh mạch giãn to khi khám bệnh nhưng gần như hoàn toàn lại không có triệu chứng đau hay khó chịu ở chân. Trái lại, có 45% bệnh nhân có than phiền có triệu chứng đau ở chân phù hợp với bệnh suy tĩnh mạch nhưng lại không hề có giãn tĩnh mạch.
“Tóm lại, khi bạn đau nhức và khó chịu ở chân và tình trạng này tăng giảm tuỳ theo tư thế của bạn. Có thể bạn đã mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân và nên làm siêu âm huyết động học chẩn đoán.”