[Chiva] Bình thường, máu trong tĩnh mạch sẽ di chuyển từ nông vô sâu và từ dưới lên trên để về tim. Trong lòng tĩnh mạch có một hệ thống các van ngăn cản máu chảy ngược xuống. Nếu các van này bị hư hỏng, sẽ xuất hiện một dòng máu chảy ngược, dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân.
Suy giãn tĩnh mạch chân là gì?
Tưởng tượng như chúng ta đang sống giữa một thung lũng yên bình, nơi có một con suối bắt nguồn từ trên núi cao chảy qua. Thường ngày, con suối ấy là nơi cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu và thoát nước. Rồi bỗng dưng, có những cơn lũ từ trên cao đổ về, gây ngập lụt cho cả ngôi làng bên dưới.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân cũng có thể so sánh một cách dễ hiểu, ví von như thế. Dòng máu chảy ngược từ trên xuống gây nên sự quá tải về thể tích giống như tình trạng ngập lụt, làm tăng áp lực tĩnh mạch, gây nên hiện tượng viêm và dẫn đến những hệ luỵ của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.
Lũ lụt trong tự nhiên đến rồi đi. Trái lại, tình trạng ngập lụt trong suy tĩnh mạch là mạn tính và không thể tự khỏi. Vậy nên chữa như thế nào và có bao nhiêu cách?
Phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Có nhiều phương pháp chữa khác nhau, tuy nhiên có thể phân thành 02 nhóm chính: nhóm phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch và nhóm bảo tồn tĩnh mạch.
Nhóm chữa bệnh suy tĩnh mạch bằng cách loại bỏ tĩnh mạch hiển có thể ví như xử lý tình trạng ngập úng do lũ lụt bằng cách lấp cả dòng suối, từ thượng nguồn trên núi đến hạ nguồn ở ngôi làng. Theo cách đó, dòng suối sẽ biến mất. Đại diện cho nhóm này là phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch kinh điển, sóng cao tần hay LASER nội mạch, keo sinh học hay hoá chất phá huỷ tĩnh mạch. Một khi tĩnh mạch hiển bị phá huỷ, dòng chảy ngược gây ngập úng từ tĩnh mạch đó cũng bị triệt tiêu cùng với những hậu quả của nó.
Lý luận ủng hộ phương pháp này là, máu dẫn lưu từ các nhánh tĩnh mạch hiển chỉ chiếm 10-20% tổng lượng máu về tim của chân, nên việc loại bỏ chúng cũng không dẫn đến những hệ luỵ đáng kể.
Trong khi đó, nhóm chữa bằng kỹ thuật bảo tồn tĩnh mạch hiển cũng giống như việc xử lý ngập lụt bằng cách xây một con đập vững chắc trên thượng nguồn để điều chỉnh dòng nước, đồng thời kết hợp với chỉnh sửa dòng hạ lưu bên dưới. Đập trên thượng nguồn có tính năng điều tiết dòng nước một cách hài hoà, không gây ngập úng cũng không để khô hạn. Đại diện chính của nhóm này là Chiva, phương pháp điều trị bảo tồn tĩnh mạch dựa vào huyết động học. Quan điểm ủng hộ phương pháp này dựa vào vai trò và sự hữu ích của tĩnh mạch hiển.
Thực vậy, tạo hoá sinh ra con người không có bộ phận nào trong cơ thể là dư thừa. Vai trò chính của tĩnh mạch hiển là dẫn lưu một phần lớn máu từ những phần nông của chân về tim, vai trò điều tiết nhiệt cơ thể và hơn thế, nó là một tài nguyên hết sức quí giá có thể sử dụng trong phẫu thuật bắc cầu mạch vành chữa bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim hay bắc cầu động mạch chi dưới chữa bệnh thiếu máu chân nguy kịch.
Kỹ thuật Chiva không chỉ giúp giữ lại tĩnh mạch hiển nguyên vẹn, mà còn giúp cho đường kính tĩnh mạch nhỏ lại và chấm dứt tình trạng viêm. Bên cạnh đó, việc giữ lại tĩnh mạch hiển sẽ giúp máu của phần nông ở chân có đường dẫn lưu tốt, giảm nguy cơ tái phát.
Chiva điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Thực chất, thủ thuật Chiva chỉ can thiệp vào những điểm kết nối mấu chốt gây nên bệnh trên hệ tĩnh mạch, thông qua những đường rạch da nhỏ với tê tại chỗ, không gây mất máu và không gây đau đáng kể. Do vậy, người bệnh có thể đi lại ngay sau thủ thuật và trở lại sinh hoạt gần như bình thường vào ngày hôm sau. Các tĩnh mạch giãn sẽ xẹp lại ngay sau mổ và sau vài tuần thì không còn nhìn thấy dưới da nữa.
Ngoài việc giữ lại thân tĩnh mạch hiển nguyên vẹn, các nghiên cứu so sánh giữa Chiva với các phương pháp loại bỏ tĩnh mạch hiển khác đều cho thấy Chiva cho một tỉ lệ tái phát thấp hơn so với nhóm còn lại. Có thể nói Chiva là một kỹ thuật giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người suy giãn tĩnh mạch một cách bền vững nhất.
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý: Chiva là một thủ thuật đơn giản được thực hiện dựa trên một qui trình siêu âm Duplex đánh giá huyết động học qui chuẩn và chi tiết. Để có thể thực hiện thành công kỹ thuật này, bác sĩ phẫu thuật viên phải làm được siêu âm chẩn đoán chính xác và phải trải qua một khoá đào tạo bài bản với những chuyên gia về kỹ thuật bảo tồn tĩnh mạch hiển.
Kỹ thuật bảo tồn tĩnh mạch hiển – Chiva chính là sự khác biệt, là điểm nhấn quan trọng của phòng khám BÁC SĨ TĨNH MẠCH. Bác sĩ Lê Thanh Phong, phụ trách phòng khám, đã được đào tạo trực tiếp, tận tình và liên tục từ Claude Franceschi – Bác sĩ tài năng đặc biệt người Pháp đã phát minh ra kỹ thuật Chiva, cũng như với nhiều chuyên gia khác ở các nước Châu Âu về siêu âm huyết động học qui chuẩn.