Nhiều người bệnh tĩnh mạch thường hay thoa dầu nóng hay ngâm chân vào nước nóng vì nghĩ rằng làm thế sẽ bớt đau. Nhưng thực ra, đây là một quan niệm sai lầm, nó càng khiến người bệnh đau nhức chân nhiều hơn và làm tăng cảm giác khó chịu.
Như chúng ta biết, bệnh suy tĩnh mạch có nguồn gốc từ việc các van tĩnh mạch bị hư hỏng. Khi đó sẽ xuất hiện dòng máu chảy ngược chiều làm cho những đoạn tĩnh mạch mắc bệnh bị quá tải thể tích dẫn đến tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch và gây viêm. Bệnh nhân sẽ cảm thấy các triệu chứng đau và khó chịu ở cẳng chân như tê, châm chích, mỏi chân, nặng chân, chuột rút… Như vậy, có thể nói tình trạng tăng áp lực trong tĩnh mạch chính là nguồn gốc gây đau và khó chịu.
Theo phản xạ tự nhiên, khi gặp nóng, các tĩnh mạch sẽ giãn nở ra, làm cho các van tĩnh mạch vốn bám vào thành tĩnh mạch sẽ hở nhiều hơn và do đó dòng máu chảy ngược sẽ nặng hơn. Cùng lúc, các mạch máu nhỏ ở chân cũng giãn to hơn, gây tăng tình trạng ứ đọng máu và làm nặng thêm tình trạng đau nhức và cảm giác khó chịu ở chân.
Vì thế:
- Tránh thoa dầu nóng, không ngâm chân vào nước nóng, tắm nước nóng hay tiếp xúc. Sau khi tắm xong nên xối chân bằng nước lạnh. Nước lạnh sẽ làm co thắt tĩnh mạch, giúp cho sự vận chuyển máu hồi lưu về tim dễ dàng hơn.
- Tránh tắm nắng thường xuyên. Nắng nóng có hại cho tĩnh mạch của bạn. Bạn nên chọn nơi có bóng mát, và nếu có điều kiện bạn nên đi dạo trên bờ biển bằng cách lội chân trần trong nước lạnh.
- Tắm hơi cũng được, nhưng sau đó bạn phải nhớ xối chân lại bằng nước lạnh và nằm gác chân lên cao.
- Tránh mặc quần sọt đi ngoài nắng. Nên mặc quần dài để che nắng không trực tiếp chiếu vào chân.
- Tránh đi bộ với chân trần (không mang giày dép). Khi làm bất cứ việc gì tiếp xúc với nóng như đi chân trần, phải lưu ý không để quá lâu, và nên xối chân lại bằng nước ngay sau đó để làm mát da.