Sự gia tăng toàn cầu bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) kéo theo thực trạng gia tăng các biến chứng của nó. Trong đó, loét bàn chân trở thành nguyên nhân hàng đầu nhập viện và cắt cụt chi…
Việc chữa lành vết loét tốn nhiều thời gian, phương tiện và chi phí. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy biện pháp phòng tránh loét bàn chân làm giảm đáng kể nguy cơ cắt cụt chân.
Cùng Bác Sĩ Tĩnh Mạch điểm qua 10 bí quyết chống tổn thương chân do đái tháo đường qua bài viết dưới đây để giúp bệnh nhân có một phương pháp phòng ngừa đơn giản, hiệu quả nhé!
1. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày
Tự khám bàn chân của bạn một lần mỗi ngày để phát hiện những bóng nước, vết trầy sướt da, vết rách da, mụn nước, quầng da đỏ, chỗ sưng phù hay nhạy đau khi sờ vào. Nếu như bạn có vấn đề ở lòng bàn chân, nên dùng gương soi để quan sát, nên đặt gương lên nền nhà nếu khó cầm nắm hãy nhờ người khác giúp đỡ bạn.
Ngoài ra, bạn có thể tự theo dõi nhiệt độ da bàn chân bằng nhiệt kế hồng ngoại. Nhiệt độ da bàn chân tăng là dấu hiệu của hiện tượng viêm, báo trước tình trạng loét sắp xuất hiện. Khi đó bạn nên giới hạn các hoạt động, tự theo dõi sát và tư vấn chuyên gia sớm.
2. Rửa bàn chân mỗi ngày
Nên rửa bàn chân bằng nước ấm một lần mỗi ngày. Lau khô nhẹ nhàng, đặc biệt ở kẽ giữa các ngón chân. Sử dụng đá bọt để nhẹ nhàng cọ xát lên vùng da có vết chai. Rắc phấn giữa các ngón để giữ khô.
Thoa kem giữ ẩm hay kem dưỡng da vào lưng và lòng bàn chân để giữ cho da được mềm mại. Việc này giúp tránh các vết nứt do da khô là đường vào của vi khuẩn.
3. Đừng tự ý cắt các vết chai
Để tránh làm tổn thương da, không nên sử dụng dụng cụ cắt móng tay, kéo để cắt phần da cứng ở vết chai, mụn cóc hay những tổn thương khác của bàn chân. Không nên sử dụng hóa chất để đốt mụn cóc. Hãy để bác sĩ chuyên khoa xử trí các thương tổn trên.
4. Cắt tỉa các móng chân một cách cẩn thận
Nên cắt tỉa các móng chân ngang bằng và cẩn thận mài giũa các chỗ nhọn, tránh làm tổn thương các khóe.
5. Đừng đi chân trần
Để tránh tổn thương bàn chân, đừng đi chân trần ngay cả khi ở nhà. Bởi vì bàn chân của bạn giảm cảm giác đau nên rất dễ bị chấn thương từ các vật cứng, sắc nhọn xung quanh.
6. Mang vớ khô, sạch
Nên chọn những loại vớ làm từ sợi có thể hút ẩm từ bàn chân chẳng hạn như sợi cotton, không nên chọn vải nylon. Không nên mang vớ có vòng siết chặt phía trên làm giảm lượng máu xuống nuôi dưỡng bàn chân hoặc vớ có các đường khâu bên trong gây cọ xát da bàn chân của bạn.
7. Chọn giày vừa vặn
Nên chọn giày có nệm lót ở gót chân và phần trước bàn chân. Tránh mang giày chật, có đế cao hay mũi phía trước hẹp làm bó ép các ngón chân. Nếu bạn có một chân lớn hơn chân kia, hãy chọn giày theo chân lớn và nên chọn giày vào cuối ngày khi bàn chân to nhất, nhớ thử giày khi mang vớ. Nếu được, bạn có thể đo ni bàn chân và đặt dép riêng cho bạn, với những vùng được độn nệm ở những vị trí thường xuyên tiếp xúc, cọ xát hay chịu lực.
8. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh động mạch ngoại biên và làm giảm lượng oxy trong máu. Điều này có thể làm chậm lành hoặc nặng hơn các vết thương bàn chân. Nếu không thể tự bỏ thuốc, bạn có thể nhờ hỗ trợ từ các bác sĩ.9. Khám định kỳ với các chuyên gia
Bác sĩ chuyên khoa có thể phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh động mạch ngoại biên hay những tổn thương khác. Nên đến kiểm tra với bác sĩ chuyên khoa của bạn ít nhất 1 lần mỗi năm hay nhiều hơn tùy theo giai đoạn bệnh của bạn.
10. Tham gia những buổi huấn luyện
Tham gia những buổi huấn luyện cách chăm sóc bàn chân đái tháo đường. Tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo điều trị. Học các tránh các lực tì đè, sang chấn ở những vị trí biến dạng của bàn chân.
Nguồn tham khảo: https://tuoitre.vn/10-bi-quyet-chong-ton-thuong-do-dai-thao…