Giãn tĩnh mạch vùng chậu, còn gọi là hội chứng xung huyết vùng chậu, là tình trạng các tĩnh mạch ở vùng chậu bị giãn to và ứ đọng máu. Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, đặc biệt là sau sinh nở.
Vùng chậu xuất hiện nhiều tĩnh mạch bị giãn khiến người phụ nữ 33 tuổi đau bụng dưới, đau thốn khi quan hệ tình dục nên thường tránh gần gũi chồng.
Vùng tầng sinh môn xuất hiện nhiều tĩnh mạch giãn khi chị mang thai con thứ hai. Sinh xong, các tĩnh mạch ngày càng to làm biến dạng vùng kín, bác sĩ không tìm ra bệnh. Hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng, chồng có người phụ nữ khác, chị bị trầm cảm, mất niềm tin cuộc sống. Một lần chị khám phụ khoa siêu âm qua ngã âm đạo phát hiện nhiều mạch máu giãn ở bụng dưới. Đến Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán chị mắc hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu, còn gọi sung huyết vùng chậu.
Ngày 23/6, bác sĩ Lê Thanh Phong, Khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết chữa trị bằng can thiệp nội mạch, bệnh nhân không còn đau bụng dưới mạn tính, tình trạng biến dạng vùng kín cũng được khắc phục.
Vùng chậu là phần thấp nhất của ổ bụng, chứa rất nhiều nhánh tĩnh mạch thông nối với nhau. Máu theo các động mạch đến nuôi vùng chậu, sau đó được vận chuyển về tim qua các tĩnh mạch của vùng này. Khi sự lưu thông của hệ tĩnh mạch bị ảnh hưởng, máu ứ lại làm các tĩnh mạch giãn ra, tăng áp lực trong tĩnh mạch gây triệu chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu.
“Hội chứng này đa phần không được chẩn đoán sớm, dễ bị bỏ sót vì bệnh nhân ngại không dám chia sẻ”, bác sĩ nói, thêm rằng đây là bệnh chuyên sâu về mạch máu song các đơn vị điều trị chưa phát triển đồng đều cả nước khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong phát hiện bệnh.
Nghiên cứu cho thấy 15% bệnh nhân tuổi 18-50 biểu hiện đau vùng chậu, trong đó 30% đau vùng chậu mạn tính xuất phát từ giãn tĩnh mạch vùng chậu. Y văn ghi nhận khoảng 10% phụ nữ bị giãn tĩnh mạch vùng chậu, trong đó 60% có triệu chứng.
Hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu thường gặp ở phụ nữ mang thai nhiều lần hoặc sinh nhiều con. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể thai phụ làm cho các tĩnh mạch giãn to ra để đáp ứng nhu cầu vận chuyển máu đến bào thai. Thai nhi lớn lên vào những tháng cuối có thể chèn ép vào tĩnh mạch vùng chậu gây cản trở hồi lưu và làm giãn khu trú các tĩnh mạch ở đó. Đa phần tĩnh mạch giãn sẽ nhỏ lại và trở về kích thước bình thường sau khi sinh con. Trường hợp kích thước tĩnh mạch không phục hồi được do các van bị hư hỏng trong quá trình mang thai, hội chứng này xảy ra.
Một nguyên nhân khác là các tĩnh mạch lớn ở vùng bụng dưới có thể bị tắc hay hẹp do chèn ép hoặc huyết khối. Khi đó, máu phải theo các nhánh phụ để về tim, lâu ngày làm các nhánh này giãn to, ứ huyết.
Hội chứng thường gây đau nhức vùng bụng dưới mạn tính, kéo dài trên 6 tháng, cảm giác tức nặng bụng dưới tăng dần trong ngày. Bệnh nhân đau trong và sau khi giao hợp, cảm giác nặng chân mỏi chân tăng lên sau khi quan hệ tình dục. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có đồng thời hai triệu chứng đau như trên sau giao hợp và ấn đau vùng bụng dưới, 94% khả năng mắc hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu.
Các triệu chứng khác như đau khi hành kinh; kích thích đường tiểu gây tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu gấp; kích thích đại tràng gây mót rặn hoặc táo bón. Những triệu chứng này thường biểu hiện ở bên trái nhưng có khi cả hai bên, tăng lên ở tư thế đứng hay ngồi lâu và giảm khi nằm nghỉ.
Bệnh nhân giãn tĩnh mạch vùng tầng sinh môn, chủ yếu ở âm hộ và có thể quan sát được. Ngoài ra, bệnh nhân còn giãn tĩnh mạch ở vị trí không điển hình như mông, mặt sau và bên của đùi hoặc tình trạng suy giãn tĩnh mạch tái phát sớm sau phẫu thuật.
Ngoài các biểu hiện lâm sàng như trên, hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu có thể được phát hiện qua siêu âm bụng chậu hoặc siêu âm với đầu dò âm đạo. Để dễ siêu âm, người bệnh cần ăn ít chất xơ trong ba ngày trước đó và siêu âm lúc đói.
Chụp tĩnh mạch xóa nền là chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn chính xác đoán hội chứng. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, sau đó bác sĩ đưa một ống thông nhỏ vào lòng tĩnh mạch đùi rồi đưa đến các tĩnh mạch vùng chậu để chụp. Hình chụp cho phép bác sĩ chẩn đoán mức độ bệnh, nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị hiệu quả.
Bệnh này được chữa trị bằng thuốc nội tiết tố nữ hoặc thuốc trợ tĩnh mạch, song kết quả thường không ổn định, các triệu chứng xuất hiện lại sớm sau khi ngưng thuốc. Phương pháp điều trị can thiệp nội mạch để thuyên tắc tĩnh mạch buồng trứng giúp triệt tiêu dòng máu chảy ngược trong tĩnh mạch giãn.
Bệnh nhân bị sung huyết vùng chậu liên quan tắc nghẽn tĩnh mạch lớn được đặt stent tái thông tĩnh mạch. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, phương pháp thuyên tắc mạch qua can thiệp nội mạch cải thiện được 80-100% triệu chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu.
Đau vùng chậu mạn tính còn có thể liên quan một số bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, ung thư vùng chậu hoặc hội chứng chèn ép thần kinh. Do đó, người đau vùng chậu cần khám phụ khoa để loại trừ các bệnh này trước khi nghĩ đến hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ đau vùng bụng dưới kéo dài hơn 6 tháng, đau khi quan hệ và sau khi quan hệ, mỏi nặng chân sau quan hệ kèm giãn tĩnh mạch ở các vùng xung quanh bộ phận sinh dục, nên đến các chuyên gia về bệnh mạch máu để khám chữa bệnh.
Nguồn Vnexpress: Giãn tĩnh mạch vùng chậu